SỞ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ

TỈNH HÀ GIANG

Đầu tư nguồn vốn nước ngoài

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)

2018-12-12 02:33:29

1. Khái quát chung về IMF

IMF được chính thức thành lập năm 1945 với tôn chỉ thúc đẩy sự hợp tác tiền tệ quốc tế, tăng cường ổn định ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và cung cấp hỗ trợ tài chính tạm thời cho các nước hội viên để giảm nhẹ mức độ mất cân bằng trong cán cân thanh toán quốc tế. Tổng số hội viên của IMF cho tới nay là 187 nước. Các nước thành viên có cổ phần lớn nhất trong IMF hiện nay là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp.
Ba chức năng chính của IMF gồm: (i) Giám sát tình hình kinh tế tài chính toàn cầu cũng như của các nước hội viên và tư vấn cho nước hội viên về chính sách kinh tế; (ii) Cung cấp hỗ trợ tài chính ngắn và trung hạn cho các nước hội viên gặp phải những khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán và (iii) Trợ giúp kỹ thuật. 
Hiện nay cổ phần của Việt Nam tại IMF bằng 460,7 triệu SDR, chiếm0,193% tổng khối lượng cổ phần và có tỷ lệ phiếu bầu là 0,212% tổng số quyền bỏ phiếu. Việt Nam thuộc nhóm Đông Nam Á với 13 nước thành viên. Việt Nam đã tăng vốn cổ phần tại IMF từ 329,1 triệu SDR lên 460,7 triệu SDR. Về tăng vốn cổ phần, trong đợt rà soát vốn cổ phần tổng thể lần 14 của IMF, vốn cổ phần của Việt Nam tại IMF sẽ tiếp tục tăng từ 0,4607 tỷ SDR lên 1,1531 tỷ SDR (tăng thêm 692,4 triệu SDR). Số cổ phần của Việt Nam tăng khoảng 150% so với mức tăng chung 100%, do ngoài mức tăng 100% cổ phần như các nước khác, tỷ lệ cổ phần của Việt Nam cũng được tăng từ 0,193% lên 0,242%. Điều này phản ánh thành tựu kinh tế và vị thế tiếng nói ngày càng tăng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.
 
2. Hoạt động của IMF tại Việt Nam
Năm 1976, CHXHCN Việt Nam chính thức kế tục quy chế hội viên của Việt Nam tại IMF và được quyền hưởng các khoản vay từ IMF. Trong giai đoạn 1976-1981, IMF đã cho Việt Nam vay khoảng 200 triệu USD nhằm giải quyết những khó khăn trong cán cân thanh toán. Sau khi Việt Nam phát sinh nợ quá hạn với IMF vào năm 1984 và IMF đình chỉ quyền vay vốn của Việt Nam, trong suốt thời gian từ 1985 đến tháng 10/1993, quan hệ giữa VN - IMF được duy trì thông qua đối thoại chính sách chủ yếu dưới hình thức tham khảo thường niên về kinh tế vĩ mô.
Tháng 10/1993, Việt Nam đã nối lại quan hệ tài chính với IMF. Trong giai đoạn 1993-2004, IMF đã cung cấp cho Việt Nam 4 khoản vay với tổng vốn cam kết 1.094 triệu USD, giải ngân được 670,8 triệu USD – trong đó 209,2 triệu USD của chương trình Tăng trưởng và Xoá đói Giảm nghèo PRGF.
Từ tháng 4/2004 đến nay, quan hệ Việt Nam - IMF tiếp tục được duy trì tốt đẹp mặc dù giữa hai bên không còn chương trình vay vốn. IMF vẫn rất tích cực tiến hành nhiều hoạt động tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam hàng năm trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thương mại, cải cách DNNN, tiền tệ, ngoại hối, thị trường mở, thanh tra ngân hàng(Đoàn điều IV: giám sát kinh tế vĩ mô), cải cách thuế (tư vấn cho Bộ Tài chính), xác định mục tiêu lạm phát, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố v.v. Ngoài ra, hàng trăm lượt cán bộ NHNN và các bộ ngành liên quan được tạo điều kiện tham dự các khóa đào tạo, hội thảo ngắn hạn và xuất học bổng dài hạn theo chương trình do IMF tài trợ tại Singapore, Áo, Mỹ.
 
3. Hoạt động gần đây
Trong thời gian qua, IMF đã cử nhiều Đoàn HTKT vào Việt Nam giúp đánh giá, tư vấn về nhiều lĩnh vực chính sách, nghiệp vụ chuyên môn như CSTT, CSTK, chính sách thuế, cán cân thanh toán, xây dựng dự thảo luật phòng chống rửa tiền và tổ chức nhiều khóa đào tạo; tổ chức nhiều buổi tọa đàm đối thoại chính sách với các cơ quan chức năng.
Trong giai đoạn vừa qua, IMF đã có nhiều ý kiến tư vấn, khuyến nghị chính sách cho Chính phủ và các cơ quan Việt Nam trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra.
 
4. Các loại tín dụng của IMF
+ Tín dụng thông thường: nước được vay phải có chương trình điều chỉnh kinh tế ngắn hạn; mức tối đa được vay là 100% cổ phần của nước đó tại quỹ; thời hạn 3 - 5 năm; ân hạn 3 năm với lãi suất khoảng 5 - 7,5%. 
+ Vốn vay bổ sung: mức vay có thể từ 100% đến 350% cổ phần của nước đó, tuỳ theo mức độ thiếu hụt; thời hạn 3 - 5 năm; ân hạn 3,5 năm; lãi suất theo lãi suất thị trường. 
+ Vay dự phòng: tối đa được 62,5% cổ phần; thời hạn 5 năm; ân hạn 3,5 năm; lãi suất thị trường.
 + Vay dài hạn: nước đi vay phải có chương trình điều chỉnh kinh tế trung hạn và mọi khoản vay phải theo sát với việc thực hiện chương trình theo từng quý, từng năm. Mức vay bằng 140% cổ phần; thời hạn 10 năm; ân hạn 4 năm; lãi suất 6 - 7,5% năm. 
+ Vay bù đắp thất thu xuất khẩu: cho các nước đang phát triển có đột biến thiếu hụt cán cân thương mại trong năm. Mức vay tối đa bằng 100% cổ phần; thời hạn và lãi suất như tín dụng thông thường. 
+ Vay chuyển tiếp nền kinh tế: loại tín dụng mới xuất hiện để hỗ trợ cho các nước chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường; thời hạn vay 5 năm; ân hạn 3,25 năm; lãi suất thị trường. Ngoài ra, còn một số loại tín dụng khác như vay để duy trì dự trữ điều hoà, vay để điều chỉnh cơ cấu,vv. 
 
5. Chiến lược của IMF đối với Việt Nam
IMF hỗ trợ các nước thành viên thông qua những hoạt động sau: 
+ Đưa ra những lời khuyên về chính sách cho các chính phủ và ngân hàng trung ương dựa trên sự phân tích về xu hướng phát triển kinh tế, và những kinh nghiệm thực tế xuyên quốc gia; 
+ Nghiên cứu, thống kê, dự báo, và phân tích kinh tế thông qua việc theo dõi các nền kinh tế và thị trường riêng lẻ, khu vực và toàn cầu; 
+ Đưa ra các nguồn vốn cho vay để giúp các quốc gia vợt qua các giai đoạn kinh tế khó khăn; 
+ Đưa ra những nguồn vốn không lãi suất và có thời gian đáo hạn dài để giúp các nước phát triển chống lại đói nghèo; 
+ Trợ giúp kĩ thuật và đào tạo để giúp các nước phát triển cải thiện khả năng điều hành nền kinh tế của mình